“Đòn bẩy” từ hợp tác quốc tế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học

Thực tiễn, kinh nghiệm của Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) cho thấy, trong điều kiện các nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn những bất cập, hạn hẹp, để tạo “đòn bẩy” cho GDĐH phát triển vững chắc trong bối cảnh quốc tế hóa GDĐH thì đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế chính là giải pháp đột phá hiệu quả, phù hợp để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH.

Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐHĐN, những kinh nghiệm hữu ích của ĐHĐN có thể đúc rút qua chặng đường phát triển gần 30 năm qua cũng như phát huy, kế thừa truyền thống gần 50 năm của các trường ĐH thành viên trong các hoạt động hợp tác quốc tế, đó là:

(1) Tận dụng, phát huy các cơ hội trong HTQT để đào tạo, phát triển tiềm lực đội ngũ. Cách đây hơn 15 năm, Đại hội Đảng bộ ĐHĐN lần thứ III đã có chiến lược, đưa ra Nghị quyết và kiên trì thực hiện chủ trương giảng viên phải được đào tạo sau ĐH ở nước ngoài. Nhờ đó, đến nay ĐHĐN tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên đạt gần 50% (Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN đạt gần 70%) đối với điều kiện của khu vực miền Trung còn nhiều khó khăn thì đây là nỗ lực lớn, so với bình quân chung của cả nước là 34%

Hầu hết cán bộ, giảng viên của ĐHĐN được đào tạo bài bản ở các nước có nền giáo dục và khoa học tiên tiến trên thế giới nên có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, ngoại ngữ thành thạo và có năng lực hội nhập quốc tế tốt. Đây là tiền đề rất quan trọng để ĐH Đà Nẵng tiếp tục phát triển các mối quan hệ đối tác sâu rộng với nhiều tổ chức giáo dục, khoa học uy tín như: AUF, ASEA-UNINET, AUN, CONFRASIE, SEAMEO, ULYSSEUS… Cùng với đó là hàng trăm đối tác là các trường ĐH, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trên thế giới.

(2) Tranh thủ cơ hội, thu hút các nguồn lực đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao năng lực quản trị ĐH. Trong 10 năm qua, thông qua các hoạt động chủ động, năng động trong HTQT, nhất là tham gia tích cực, thể hiện vai trò nòng cốt trong các mạng lưới, dự án HTQT lớn như: ERAMUS+, HARMONY, MONTUS, PURSEA, MESfIA, EMVITET, DIGI-CHE-AISA…, qua đó thu hút, huy động thêm nhiều nguồn lực đầu tư với các công trình như: Trung tâm Thông tin-Học liệu, Viện Anh ngữ, 04 ký túc xá, nhà đa năng, sân vận động, nhà tập thể dục thể thao…

Đặc biệt, điểm nhấn nổi bật là ĐHĐN cùng 02 ĐH Quốc gia Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được Cơ quan Phát triển Quốc tế USAID của Hoa Kỳ tài trợ 14,2 triệu USD cho Dự án Hợp tác đổi mới GDĐH (PHER) (giai đoạn 2022-2026) để tăng cường năng lực trên 04 “trụ cột”: Quản trị, Nghiên cứu, Đào tạo và Kết nối, đáp ứng nhu cầu NNL phục vụ Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, ĐHĐN được Cơ quan HTQT KOICA của Chính phủ Hàn Quốc viện trợ 7,7 triệu USD trong Dự án ODA 5 năm (giai đoạn 2022-2026) nhằm nâng cao năng lực quản trị, giảng dạy và nghiên cứu, đẩy mạnh chuyển đổi số với mục tiêu xây dựng trường ĐH số với Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 cùng nhiều dự án, tiểu dự án quan trọng khác.

(3) Chủ trì, phối hợp với các đối tác tổ chức thành công nhiều sự kiện, hội thảo quốc tế uy tín, quy tụ hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia quốc tế đến tham dự, góp phần là “điểm đến” của một thành phố Đà Nẵng trong hành trình trở thành trung tâm của các sự kiện, lễ hội quốc tế. Đây cũng là nơi kết nối, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm phát triển GDĐH và hợp tác, ký kết, triển khai hàng trăm MOU/MOA, trọng tâm trao đổi cán bộ, giảng viên, sinh viên, thu hút nhiều lưu học sinh, thực tập sinh từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đến học tập, NCKH, trao đổi học thuật và văn hóa.

Để có được những kết quả trên, bên cạnh nỗ lực, năng động của Nhà trường, Nghị quyết số 29-NQ/TW được Bộ GDĐT cũng như các bộ, ngành ủng hộ, thể chế hóa thành nhiều chủ trương, chính sách, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các ĐH, trong đó có mảng công tác HTQT.

Sự đóng góp tích cực của ĐHĐN trong hoạt động HTQT, đối ngoại nhân dân luôn gắn kết với các đối tác để quảng bá thành phố Đà Nẵng “đáng sống” và “đáng đến” nên được các cơ quan sở, ban, ngành của thành phố Đà Nẵng tạo điều kiện, hỗ trợ thuận lợi trong các thủ tục cấp visa, tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế, có thêm cơ hội tiếp đón, kết nối hợp tác với nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp là các đối tác của thành phố Đà Nẵng đến thăm và làm việc.

11 CTĐT theo Tiêu chuẩn quốc tế ASIIN 

Cơ hội mới mở ra với khát vọng lớn khi chủ trương phát triển ĐHĐN thành ĐH Quốc gia đã được đưa vào Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển KTXH và bảo đảm QPAN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển con người, trọng tâm là NNL CLC, một trong ba“đột phá chiến lược” theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ĐHĐN đã xây dựng, triển khai Chiến lược Phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu: Xây dựng ĐH Đà Nẵng trở thành ĐH Quốc gia, một trong ba trung tâm đào tạo, NCKH và đổi mới sáng tạo của cả nước, hướng đến khu vực và thế giới; tiếp tục là địa chỉ “tin cậy”, giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo NNL CLC phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước.

Để thực hiện thành công mục tiêu, chiến lược này, ĐHĐN tiếp tục xác định chiến lược đẩy mạnh HTQT, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, trọng tâm theo các định hướng như sau:

Tăng cường trao đổi chuyên gia, giảng viên và sinh viên; Nâng cao mức độ quốc tế hóa các CTĐT, liên kết đào tạo quốc tế các chương trình chuyển tiếp, đồng cấp bằng; Khuyến khích đưa vào đào tạo các CTĐT đã được kiểm định đạt chuẩn quốc tế, lựa chọn, trao đổi và sử dụng giáo trình của các trường ĐH uy tín nước ngoài làm giáo trình hoặc tài liệu tham khảo chính; Phát triển các CTĐT giảng dạy bằng tiếng Anh để thu hút, tăng tỷ lệ sinh viên quốc tế đến học tại ĐHĐN, khuyến khích các hình thức “du học tại chỗ”;

Chú trọng công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và các CTĐT theo mục tiêu, lộ trình phù hợp; Tăng cường kỹ năng ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên và nhất là sinh viên trong bối cảnh hội nhập với thị trường lao động quốc tế, trở thành “công dân toàn cầu”.

Thúc đẩy kết nối và hợp tác nghiên cứu chung để tận dụng lợi thế, phát huy tiềm năng trong tiến trình quốc tế hóa GDĐH; Năng động để thu hút, huy động thêm các nguồn lực đầu tư, tài trợ, hỗ trợ từ các đối tác quốc tế để phát triển tiềm lực đội ngũ.

Đây chính là các định hướng, giải pháp mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả HTQT, góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế cho ĐHĐN cũng như các trường ĐH thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc trong hệ thống GDĐH nước nhà, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ nhấn mạnh.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

https://www.udn.vn/banhtqt/don-bay-tu-hop-tac-quoc-te-gop-phan-nang-cao-chat-luong-dao-tao-va-nghien-cuu-khoa-hoc